12-01-2023

7 giai đoạn từ tay trắng dựng cơ đồ vĩ đại và trường tồn

Làm doanh nhân cũng giống như quá trình trồng cây gây rừng. Bằng trải nghiệm của bản thân và qua việc quan sát các doanh nghiệp xuất sắc, các doanh nhân thành đạt. Doanh nhân, Tiến sĩ Tô Nhật đã tổng hợp và chia quá trình tự thân dựng từ tay trắng thành cơ đồ vĩ đại và trường tồn làm 7 giai đoạn hình thành và phát triển. 

1. Giai đoạn 1: Seeding - Gieo hạt

Xuất phát từ nhu cầu, khát khao, ý chí hoặc áp lực mà bạn hình thành nên mong muốn khởi nghiệp, kinh doanh hoặc buộc phải kinh doanh. Bắt đầu từ việc bạn có ước mơ, khát vọng, ý chí và nhu cầu thì nó chính là hạt giống neo vào não bộ, gieo vào tâm thức của bạn. Về mặt nguyên tắc, tiềm thức của bạn giống như một luống đất tốt, bạn gieo gì vào luống đất đó cùng với sự chăm sóc đúng cách thường xuyên thì hạt giống sẽ nảy mầm, lớn thành cây và cho quả ngọt. Còn nếu bạn không gieo hạt giống nào thì có một điều chắc chắn là sẽ chẳng có bất cứ cây nào mọc lên chứ chưa nói đến quả. Còn một khi hạt giống được gieo, có nghĩa là bạn neo ý chí/ước mơ vào trong não bộ của mình. Nếu nó đủ lớn thì nó sẽ tạo ra cảm xúc mạnh mẽ để thúc đẩy bạn hành động. Vì vậy, điều quan trọng là bạn sẽ phải hun đúc, ấp ủ để thôi thúc ý chí, ước mơ này sẽ đi cùng với bạn theo năm tháng. Ước mơ/khát vọng/ý chí/niềm tin này sẽ định hướng công việc, hoạt động của bạn hướng tới mục tiêu làm giàu và trở thành doanh nhân thành công và bền vững. Từ đó, bạn sẽ biết nên đi theo con đường nào để bạn trở thành doanh nhân.

Tiến sĩ Tô Nhật - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amaccao và là người sáng lập Công ty Cổ phần SBK Holdings, trong đó có Success Business Việt Nam.

2. Giai đoạn 2: Feeding & Preparing - Nuôi dưỡng và chuẩn bị 

Khi đã có ý chí, ước mơ, khát vọng và nhu cầu để thành lập và phát triển doanh nghiệp bền vững ( tức là gieo hạt ) thì cần có quá trình nuôi dưỡng để hạt giống ngày một lớn lên. Nếu chúng ta có ước mơ, khát khao trở thành doanh nhân thì cần lên kế hoạch hiện thực hóa từng bước như thế nào? Ta bắt đầu kế hoạch đi học nâng cao phát triển bản thân để trang bị những kỹ năng cần thiết của một người doanh nhân thành công. Để trở thành doanh nhân thành công ta cần làm gì? Chúng ta sẽ phải đọc sách về các doanh nhân thành đạt để xem con đường họ đi như thế nào để bắt chước, hay đến gặp họ và hỏi xin ý kiến tư vấn mình phải làm gì? Bạn cũng có thể đi làm, tích lũy kinh nghiệm học được từ những doanh nhân giàu có để phát triển các kiến thức và kĩ năng cần thiết như bán hàng, marketing, quản trị con người, quản trị tài chính, hay nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ... Càng tích lũy nhiều kiến thức và càng trải nghiệm nhiều về những gì mà một doanh nhân thành công cần phải có thì cơ hội để bạn khởi nghiệp thành công càng cao.

3. Giai đoạn 3: Khởi nghiệp - Startup  

Đây là giai đoạn doanh nhân bắt đầu khởi sự, ra mắt doanh nghiệp, thành lập công ty, khai trương cửa hàng. Lúc này sẽ thấy “cây nhú lên khỏi mặt đất” và ra mắt công chúng. Thực ra ở phần dưới đã thấy hạt ra rễ, có thân gốc rồi, bởi nó vốn là quá trình hun đúc từ lâu, là một diễn biến vô hình mà mọi người không nhìn thấy, nhưng nó quyết định cái ta nhìn thấy hôm nay. Các rễ bén ra chính là kỹ năng cần thiết của người làm chủ ( kỹ năng quản trị nhân lực, bán hàng, marketing, quản lý hoạt động, phát triển sản phẩm mới, lên kế hoạch, lập chiến lược,...) giúp cây đơm hoa kết trái. “Gốc rễ tạo ra quả ngọt - The roots create the fruits”. Rõ ràng nếu như không có cái gốc rễ này thì lấy đâu ra cây để phát triển thành quả được. 

Doanh nhân, Tiến sĩ Tô Nhật - Tác giả bộ sách dành cho nhà lãnh đạo.

4. Giai đoạn 4: Grow & Harvest - Tăng trưởng và thu hoạch

Đến giai đoạn tăng trưởng và thu hoạch này, người nông dân bắt đầu thấy hạnh phúc bởi cây của anh ta cho ra trái ngọt (doanh thu, lợi nhuận). Lúc này, người nông dân phải nghĩ tới việc mở rộng quy mô. Có những doanh nghiệp ở giai đoạn này chỉ có 1 cây, sau 5 - 10 năm mới nghĩ tới cây tiếp theo, có nơi thì chỉ mất 1 - 2 năm. Điều này còn tùy thuộc vào năng lực của doanh nghiệp. Không phải doanh nghiệp nào cũng giống doanh nghiệp nào. Đa phần các chủ doanh nghiệp cần 5 - 10 năm để trồng được 1 cây và dồn toàn bộ sự tập trung để nó lớn, vững chãi, ăn rễ vào đất thật sâu. Sau đó họ mới bắt đầu nghĩ tới việc mở rộng, trồng thêm cây mới. Khi ấy, chủ doanh nghiệp cần đào tạo những cấp phó để thay mình chăm sóc công ty hiện tại. Từ đấy, anh ta có thời gian để gieo trồng những cây tiếp theo. Khi có người phụ trách cây hiện tại thay cho chủ doanh nghiệp rồi, thậm chí họ chăm bẵm cây còn tốt hơn, đó là bước đệm để chủ doanh nghiệp có cả rừng cây, là hành trang để mở rộng quy mô. 

5. Giai đoạn 5: Scale up - Mở rộng quy mô

Giai đoạn mở rộng quy mô có nghĩa là doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Việc mở rộng hoạt động kinh doanh có thể có hình thức mở rộng hệ sinh thái theo ngành dọc hoặc mở hệ sinh thái theo kiểu đa dạng các loại sản phẩm dịch vụ. Nếu các bạn muốn hoạt động kinh doanh bền vững thì cần có các yếu tố sau: Hệ thống và Thương hiệu. Chính vì vậy, Tiến sĩ Tô Nhật hay ví von làm kinh doanh giống như chiếc máy bay có 2 cánh, cánh 1 là Thương hiệu, cánh 2 là Hệ thống. Nếu chỉ có 1 cánh thì máy bay không bay được, nếu có đủ 2 cánh thì sẽ giữ cho máy bay cân bằng, bay ổn định. 

6. Giai đoạn 6: Good to great - Từ tốt đến vĩ đại

Các doanh nghiệp sẽ xác định quy mô định mở rộng của họ ở mức độ nào. Có đơn vị quy mô quốc gia, có đơn vị quy mô quốc tế,...Ví dụ như công ty của ông Phạm Nhật Vượng là quy mô quốc gia. Vinamilk đang mở rộng thành quy mô quốc tế. Các doanh nghiệp của Hàn Quốc như Huyndai, LG, Samsung, Lotte và Daewoo thì họ đang mở rộng quy mô ra quốc tế. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp có tầm nhìn quốc tế, hẳn bạn sẽ trồng cây sang các nước như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á hay Trung Đông. Đế chế của bạn không còn ở phạm vi quốc gia nữa mà là toàn cầu. Quan trọng là chúng ta có khát khao hay không, có thực sự có nhu cầu đó hay không thôi. Khi bạn có được thật nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững thì đế chế của bạn chuyển mình để biến doanh nghiệp thành vĩ đại.

7. Giai đoạn 7: Build to last - Xây dựng để trường tồn

Tất cả đế chế kinh doanh nếu xây dựng xong mà không có cơ chế, phương pháp để làm cho nó trường tồn thì cuối cùng, khi người chủ mất đi thì doanh nghiệp cũng chết theo. Đó là điều mà không chủ doanh nghiệp nào mong muốn cả. Họ chết mà đế chế của họ vẫn còn và tiếp tục thăng hoa lên để tồn tại năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác và mãi mãi trường tồn thì mới là đích cuối cùng của doanh nhân bền vững. 

Trở thành vĩ đại rồi chưa chắc đã trường tồn. Chủ doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, nghiên cứu phương pháp và công nghệ mới, học hỏi từ đối thủ để làm cho đế chế của mình không chỉ vĩ đại mà còn trường tồn. Để rồi khi có nhắm mắt xuôi tay thì họ vẫn hạnh phúc vì đã có một cuộc đời đáng sống. 

Nói tóm lại, sự nghiệp của doanh nhân là sự nghiệp gieo trồng. Chúng ta gieo hạt gì thì sẽ có cơ hội gặt hạt đó. Nếu gieo hạt doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội gặt hạt doanh nghiệp. Nếu gieo hạt doanh nghiệp vĩ đại thì sẽ có cơ hội gặt hạt doanh nghiệp vĩ đại. Việc này còn tùy thuộc vào khát khao, khát vọng và mong muốn của chúng ta. Nếu ta không có ý chí khát khao để giúp doanh nghiệp luôn bền vững và trường tồn thì chắc chắn ta không bao giờ có được nó. “Gieo bí thì gặt bí, gieo ngô thì gặt ngô”. 

 Doanh nhân - Tiến sĩ Tô Nhật

Theo chuyên đề đặc biệt mừng Xuân Quý Mão 2023 ĐCDNTC