24-09-2024

Báo Trung Quốc gọi tên một mặt hàng mới từ Việt Nam, DN Việt kỳ vọng lập kỷ lục

Năm ngoái, mặt hàng này đạt doanh thu 2,3 tỷ USD.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến sẽ đạt kỷ lục 300 triệu USD trong năm nay, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, trích lời ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mặc dù Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói và truy xuất nguồn gốc, ông cho biết.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết các doanh nghiệp cần liên tục cải thiện công nghệ đông lạnh, chất lượng sản phẩm, hệ thống theo dõi và kiểm soát sản xuất sầu riêng đông lạnh.

Tháng trước, hai nước đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Hồi tháng 6 năm nay, Tân Hoa Xã cho biết: Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu sầu riêng lớn thứ hai sang Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.

Báo Trung Quốc gọi tên một mặt hàng mới từ Việt Nam, DN Việt kỳ vọng lập kỷ lục- Ảnh 1.

Sầu riêng đông lạnh được kỳ vọng sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái trong bốn tháng đầu năm 2024.

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đang bùng nổ, nhờ giá cả cạnh tranh. Trong bốn tháng đầu năm nay, giá trung bình là 4.662 USD một tấn so với giá nhập khẩu trung bình của Trung Quốc là 5.395 USD.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết sầu riêng tươi từ Việt Nam được vận chuyển đến Trung Quốc với lợi thế là giá cả hợp lý, vận chuyển nhanh chóng và mùa vụ thu hoạch quanh năm.

Theo TTXVN, sầu riêng đông lạnh là sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Và sẽ sớm nằm trong danh sách sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa phương thức chế biến, giảm áp lực mùa vụ, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Báo Trung Quốc gọi tên một mặt hàng mới từ Việt Nam, DN Việt kỳ vọng lập kỷ lục- Ảnh 2.

Sáu tháng cuối năm sẽ là mùa sầu riêng Tây Nguyên. Trong khi đó, nửa đầu năm chủ yếu là sầu riêng miền Tây Nam Bộ.

Theo Bộ Công Thương, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt doanh thu 2,3 tỷ USD, trong đó có tới 90% là sang Trung Quốc.

Năm 2024, Việt Nam muốn xuất khẩu 3,5 tỷ USD sầu riêng

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - chia sẻ những tín hiệu tích cực và hoàn toàn kỳ vọng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD , tăng 55% so với năm trước.

Ông Nguyên nói: "Hiện nay sầu riêng các nước như Thái Lan, Malaysia đã cuối vụ. Việt Nam còn sầu riêng ở Tây Nguyên, nhưng sản lượng vùng trồng này gấp đôi sản lượng sầu riêng cả nước.

Chính vì các nước lân cận cuối vụ nên đẩy giá sầu riêng Tây Nguyên ở thời điểm 6 tháng tới lên 100.000 - 140.000 đồng/kg, kéo theo kim ngạch tăng lên".

Ông Nguyên còn so sánh nếu 6 tháng đầu năm 2024, sầu riêng miền Tây xuất khẩu được 1,5 tỷ USD; 6 tháng cuối năm sầu riêng Tây Nguyên sẽ có kim ngạch cao hơn, khoảng gần 2 tỷ USD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng nếu có thêm sầu riêng đông lạnh, kim ngạch sầu riêng xuất khẩu cả năm “chắc chắn vượt 3,5 tỷ USD”.

Bên cạnh việc liên tục xô đổ những kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, ở trong nước diện tích sầu riêng cũng tăng rất nhanh. Nông dân có diện tích nhỏ lẻ cùng liên kết với nhau là giải pháp bước đầu để các hộ dân có được mã vùng trồng.

"Trước mắt đa số bán theo thương lái, thương lái vào trả được giá thì bán. Giờ mình liên kết các doanh nghiệp hoặc các mối lớn họ tập chung hơn thì mình ổn định hơn", ông Phạm Trung Việt - Giám đốc HTX Cây sầu riêng 94, huyện Định Quán, Đồng Nai chia sẻ.

Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải thiều và chanh dây.