27-11-2024

Câu chuyện buồn của doanh nghiệp từng là nhà sản xuất thép xây dựng top đầu Việt Nam

Doanh nghiệp này từng có nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, dẫn đầu thị phần thép xây dựng tại khu vực phía Nam.

Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) được thành lập vào năm 1999. Doanh nghiệp này có ba nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất mỗi năm là 1,1 triệu tấn thép xây dựng và 1,5 triệu tấn phôi.

Pomina từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam và là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép xây dựng tại khu vực phía Nam.

Pomina cũng là doanh nghiệp có nhà máy đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống nạp liệu liên tục ngang thân lò Consteel® - một hệ thống sản xuất thân thiện với môi trường – Công nghệ này giúp tại tạo nguồn nguyên liệu tái chế với hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn tuần hoàn kép, nguồn nước sẽ được tái sử dụng không thải ra bên ngoài.

Câu chuyện buồn của doanh nghiệp từng là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính kinh doanh quý 3/2024 và 9 tháng đầu năm, công ty tiếp tục thua lỗ.

Trong quý 3, Pomina ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 3% so với cùng kỳ còn 488 tỷ đồng. Doanh thu nội địa tăng 60% so với quý 3 năm ngoái lên 363 tỷ đồng. Thu từ xuất khẩu suy giảm 46% còn 118 tỷ đồng.

Giá vốn trong kỳ của POM tăng hơn 2% lên 520,4 tỷ đồng. Chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng vọt lên 169 tỷ, gấp 2,88 lần cùng kỳ. Tổng chung, Pomina này báo lỗ sau thuế 286 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 110 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Lý giải về việc thua lỗ này, Pomina cho biết nhà máy thép Pomina 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Pomina 1 (Bình Dương) vẫn ngưng hoạt động nhưng vẫn phải chịu chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất nên lỗ trong kỳ. Công ty vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc lại, có thể sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, POM ghi nhận doanh thu đạt 1.576 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế hơn 791 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 647 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/09/2024, công ty thua lỗ đã lên tới 2.356 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn hơn 500 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lên 17,4 lần.

Câu chuyện buồn của doanh nghiệp từng là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Pomina đạt 9.353 tỷ đồng, giảm khoảng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm nay. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng dở dang với hơn 5.700 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm mạnh gần 31% xuống còn khoảng 460 tỷ đồng. Tiền mặt tăng 60%, ở mức 16 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, lên mức 8.844 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 6.220 tỷ đồng, chủ yếu vay ngắn hạn với 5.500 tỷ đồng, cùng 719 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Hai chủ nợ (vay ngắn hạn) lớn nhất của Pomina là BIDV CN Tp.HCM với gần 1.700 tỷ và Vietinbank CN Tp.HCM với hơn 2.600 tỷ. Các khoản vay được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và cổ phần.

Dự án lò cao và lò EAF (thuộc nhà máy POM 3) được tài trợ bởi Vietinbank bằng khoản vay dài hạn, tổng số tiền được giải ngân là 1.035 tỷ đồng và tài sản đảm bảo là chính dự án này.

Mới đây, Pomina chính thức ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư với đối tác chiến lược là Công ty Thép Nansei Nhật Bản. Theo thỏa thuận, Nansei Steel sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho nhà máy thép Pomina 2 vận hành công suất tối đa. Pomina cho biết, việc hợp tác với Nansei Steel sẽ giúp công ty tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Pomina cũng đã ký MOU (biên bản ghi nhớ) với một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025.