Doanh thu kỷ lục, thị phần dẫn đầu 7 thị trường, tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam lời lãi ra sao?
Trong quý 2 vừa qua, doanh nghiệp này đã đạt kỷ lục về doanh thu, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel hiện là tập đoàn viễn thông lớn nhất tại Việt Nam. Tập đoàn bao gồm hơn 20 công ty con hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau bao gồm viễn thông, đầu tư, bất động sản, thương mại quốc tế và các dịch vụ kỹ thuật.
Năm 2006, Viettel quyết định mở rộng kinh doanh ra nước ngoài với mục tiêu tìm kiếm thị trường tiềm năng. Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (nay là Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Viettel - Viettel Global, mã chứng khoán VGI) được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu trên.
Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của công ty, Viettel Global đã đưa vào kinh doanh 9 công ty viễn thông tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mĩ với tổng dân số hơn 175 triệu và 13 triệu khách hàng.
Viettel Global vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 sau soát xét. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettel Global đạt 16.594 tỷ đồng, tăng 25% so với 6 tháng đầu năm 2023, cao gấp hơn 5 lần so với mức tăng trưởng viễn thông thế giới (4,3%, theo Gartner). Như vậy, trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này có doanh thu lên đến hơn 91 tỷ đồng.
Quý 2/2024, Viettel Global cũng đạt kỷ lục về doanh thu, đạt gần 8.679 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Và đây cũng là dấu mốc đánh dấu 10 quý tăng trưởng doanh thu liên tục so với cùng kỳ của VGI. Ở thời điểm hiện tại, Viettel Global nắm thị phần đầu bảng tại 7 thị trường trên thế giới.
Cùng với doanh thu tăng, lợi nhuận trước thuế của công ty sau nửa năm cũng đạt 4.740 tỷ đồng, sau thuế đạt 2.855 tỷ đồng.
Giải trình về biến động lợi nhuận 6 tháng đầu năm, phía VGI cho biết, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng năm 2024 của VGI là 2.855 tỷ VNĐ tăng so với cùng kỳ 3.481 tỷ đồng, tương ứng với việc chuyển từ lỗ sang lãi. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các Công ty thị trường (bao gồm cả công ty con và công ty liên kết) đều tăng trưởng tốt trong kinh doanh.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của các công ty thị trường tăng trưởng mạnh, trong đó, Lumitel tại Burundi tăng 31%, Movitel tại Mozambique tăng 23%, Natcom tại Haiti tăng 18%, Telemor tại Đông Timor tăng 11%, Metfone tại Campuchia tăng 8%, Halotel tại Tanzania tăng 5%.
Đặc biệt các công ty ví điện tử cũng tăng trưởng rất ấn tượng như M_mola (Mozambique) tăng 169%, Mosan (Đông Timor) tăng 34%, Halopesa (Tanzania) tăng 34%, Lumicash (Burundi) tăng 21%, Emoney (Cambodia) tăng 16%). Lãi từ các Công ty liên kết tăng trưởng 27%.
Bên cạnh đó, chi phi trích lập dự phòng giảm mạnh (giảm 875 tỷ đồng), dòng tiền thu hồi từ thị trường tốt giúp VGI cơ cấu lại tiền gửi và tiền vay tạo ra khoản lợi nhuận tài chính góp phần làm tăng lợi nhuận.
Tại ngày 30/6/2024, tiền và các khoản tương đương tiền của VGI là hơn 11.151 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt là hơn 7,9 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là hơn 10.694 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả tiền tại Ngân hàng KCB Bank Kenya và Ngân hàng CRDB Bank dùng để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng này cũng như tiền gửi của khách hàng tại các công ty ví điện tử (công ty con của tổng công ty). Các khoản tương đương tiền là hơn 358 tỷ đồng bao gồm tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng với lãi suất từ 3% – 8%/năm (tại ngày 31/12/2023 là từ 0,7% - 9%/năm).
Công ty cũng ghi nhận hàng tồn kho là gần 2.768 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã được các công ty con của tổng công ty trích lập với số tiền là gần 33 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2023 là hơn 6,7 tỷ đồng) do giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho này thấp hơn giá trị ghi sổ. Công ty cũng đã thế chấp 1 phần hàng tồn kho luân chuyển với giá trị tại ngày 30/6/2024 là khoảng 371 tỷ đồng để đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng.
Pha Lê