Hàn Quốc thu mua loại quả Việt Nam có sản lượng 905.000 tấn, được coi là “báu vật” của sức khỏe
Mặt hàng này của Việt Nam khá đa dạng và nhiều mẫu mã, cũng như hương vị đặc trưng cho mỗi vùng miền.
Loại quả được coi là "báu vật" của sức khỏe, Việt Nam có sản lượng gần 905.000 tấn, vừa được Hàn Quốc thu mua Tại hội nghị về quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật ngày 2/8, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết, kể từ tháng 8 này, mặt hàng trái bưởi tươi của Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Như vậy, bưởi là mặt hàng trái cây thứ 3 của Việt Nam sau quả thanh long và xoài được xuất khẩu vào xứ sở kim chi. "Mỗi thị trường nhập khẩu có yêu cầu riêng về kiểm dịch thực vật và chất lượng. Việt Nam phối hợp với các chuyên gia kiểm dịch từ Mỹ, Nhật Bản để giám sát, đảm bảo các lô hàng đạt tiêu chuẩn khi xuất khẩu", đại diện Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ.
Bưởi là loại trái cây được coi là "báu vật" của sức khỏe. Từ cùi bưởi tới vỏ bưởi đều có thể sử dụng, có tác động tốt cho sức khỏe con người.
Bưởi là mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam. Cả nước hiện có 105.400ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn., được phân bố khắp că nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 32.000ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn, Trung du miền núi phía Bắc (30.000 ha) và Bắc Trung Bộ (13.000 ha)... Những tỉnh có diện tích bưởi lớn tại Việt Nam là Bến Tre (8.824ha), Vĩnh Long (8.619ha), Đồng Nai (5.426ha)...
Điều đáng nói là, mặt hàng bưởi của Việt Nam khá đa dạng và nhiều mẫu mã, cũng như hương vị đặc trưng cho mỗi vùng miền. Các giống bưởi nổi tiếng phải kể đến như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều...
Đối với riêng thị trường Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật cho hay, để quả bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu được sang Hàn Quốc, các vùng trồng phải đăng ký với Cục hằng năm. Cục sẽ quản lý và giám sát các vùng trồng xuất khẩu để đảm bảo các loài dịch hại mà phía Hàn Quốc quan tâm ở ngưỡng mật độ thấp thông qua hoạt động giám sát và kiểm soát dịch hại.Cán bộ bảo vệ thực vật thực hiện giám sát tại các vườn cây xuất khẩu đối với sinh vật gây hại Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella hai tuần một lần từ thời kỳ ra hoa đến khi kết thúc thu hoạch và các biện pháp kiểm soát được thực hiện khi 2 loài dịch hại này được phát hiện trên hơn 4% số cây được kiểm tra.
Nếu các loài dịch hại là Prays Endocarpa và Citripestis sagittiferella liên tục được phát hiện với tỷ lệ nhiễm cao hơn yêu cầu cho phép hoặc nếu không phòng trừ bằng biện pháp hóa học, vùng trồng sẽ bị tạm ngưng xuất khẩu sang Hàn Quốc trong thời gian còn lại của mùa vụ.
Các cơ sở đóng gói thực hiện phân loại và đóng gói quả bưởi tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật hằng năm và thường xuyên được vệ sinh, kiểm tra.
Thùng trái cây thu hoạch phải được gắn nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ vùng trồng đã đăng ký. Việc kiểm tra xuất khẩu sẽ được thực hiện bởi cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam, trên 2% của tổng số thùng carton hoặc 600 quả cho mỗi lô hàng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt mốc 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 2,2 tỷ USD.
Các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam gồm: Dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít...
Pha Lê