13-11-2024

Mặt hàng của Việt Nam, Indonesia bị Malaysia điều tra chống bán phá giá

Láng giềng điều tra theo đơn của một doanh nghiệp nội địa Malaysia.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết vừa nhận được thông tin Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) thông báo khởi xướng điều tra rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia.

Việc rà soát hành chính này được MITI tự khởi xướng trên cơ sở thông tin về việc nguyên đơn Bahru Stainless Sdn. BHd, công ty sản xuất duy nhất sản phẩm bị áp thuế đã dừng sản xuất từ ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Theo đó hàng hóa bị điều tra: thép không gỉ cán nguội dạng cuộn, tấm hoặc hình dạng khác, được phân loại theo mã HS: 7219.31.00.00, 7219.32.00.00, 7219.33.00.00, 7219.34.00.00, 7219.35.00.00; 7220.20.10.00; 7220.20.90.00.

Thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho Việt Nam là 7,81% đến 23,84%; cho Indonesia là -0,2% đến 34,82%.

Các bên quan tâm được đề nghị gửi bình luận bằng văn bản và cung cấp bằng chứng trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng trên công báo (tức là từ ngày 01 tháng 11 năm 2024).

Trong trường hợp không nhận được thông tin cần thiết theo hình thức và thời gian quy định, MITI sẽ ban hành kết luận trên cơ sở thông tin có sẵn.

Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan cần liên lạc với MITI để đăng ký tham gia và cung cấp thông tin, bình luận trong thời hạn quy định.

Đồng thời hợp tác toàn diện với MITI trong suốt quá trình vụ việc diễn ra. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Malaysia để nâng cao tiếng nói với Chính phủ Malaysia, yêu cầu MITI xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng.

Liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.

Trước đó, ngày 28/7/2020, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia thông báo chính thức khởi xướng điều tra vụ việc trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất nội địa, đại diện là doanh nghiệp Bahru Stainless Sdn. Bhd.

Sau 9 tháng điều tra, tháng 4/2021, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc và quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia.

Mức thuế áp dụng từ 7,81% đến 23,84% đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam và từ -0,2% đến 34,82% đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu Indonesia.

Mức thuế chống bán phá giá có hiệu lực trong 5 năm, từ 24/4/2021 đến 23/4/2026.

Malaysia cũng điều tra bán phá giá với thép dây Việt Nam 

Trước đó, hồi tháng 10, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin: Về việc ngày 10 tháng 10 năm 2024, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây (steel wire rods) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam.

Malaysia đang khởi xướng các vụ điều tra chống bán phá giá.

Vụ việc được khởi xướng trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất nội địa, đại diện là Công ty thép Southern Steel Berhad.

Sản phẩm bị điều tra: thép dây (steel wire rods) thuộc mã HS và AHTN: 7231.91.10.00; 7213.91.20.00; 7213.91.90.00; 7227.90.90.00.

Sau khi khởi xướng, cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho một số bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan. Trong trường hợp chưa nhận được bản câu hỏi điều tra, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam xuất khẩu sản phẩm bị điều tra đi Malaysia cần liên lạc với MITI, đăng ký làm bên liên quan trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng để được gửi bản câu hỏi điều tra.

Theo website của MITI, bán phá giá xảy ra khi "giá xuất khẩu" của sản phẩm tại Malaysia thấp hơn "giá trị thông thường" của cùng một sản phẩm hoặc "sản phẩm tương tự" tại thị trường nội địa ở quốc gia xuất khẩu hoặc xuất xứ.

Nói cách khác, bán phá giá là sự phân biệt giá quốc tế theo đó một công ty tính giá cao hơn tại thị trường trong nước so với thị trường xuất khẩu.

Trong đó, giá xuất khẩu là giá thực tế đã trả hoặc phải trả cho "hàng hóa bị điều tra" (các sản phẩm nước ngoài bị cáo buộc được bán tại Malaysia với giá bán phá giá).

Trong trường hợp không có giá xuất khẩu hoặc giá xuất khẩu có vẻ không đáng tin cậy do có sự liên kết hoặc thỏa thuận bồi thường giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu hoặc bên thứ ba, giá xuất khẩu có thể được xây dựng dựa trên giá mà hàng hóa bị điều tra được bán lại lần đầu tiên cho một người mua độc lập.