Sau cú sốc sao kê từ thiện, tất cả được trao 1 cơ hội
Đây là cơ hội để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, để thấy có những việc tốt thì lặng lẽ, chuyện xấu thì lan nhanh. Song, ai cũng có cơ hội để sửa sai.
Thước đo lòng tốt là thứ không có trên đời
Có 1 câu nói trên mạng những ngày qua nhưng đọc vào tôi lại thấy lấn cấn trong lòng, đó là: “Của ít, lòng vòng".
Thường người ta sẽ nhìn vào câu nói này ở phần nghĩa: Cho thì ít mà phát biểu cảm nghĩ thì lắm. Cho ít mà cũng khoe. Cho ít mà nói nhiều thì chê. Nó phần nào phơi bày khía cạnh thực tế trong tất cả hoàn cảnh, rằng tiền bạc thường hay quyết định ý thức.
Nhưng nếu nhìn nó bằng 1 góc độ khác, đôi khi lại thấy có những cái “của ít” mà đáng yêu phết. Và chẳng có cái gì gọi là “của ít” cả nếu như cái “của ít” đấy là tất cả những gì có thể gửi đi trong lúc bản thân mình cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, xuất phát từ tấm lòng chân thật.
Trong hơn 12 nghìn trang sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tung ra hôm 12/9 vừa qua, có không biết bao nhiêu bill chuyển khoản 1 nghìn, 5 nghìn, 10 nghìn với những nội dung có sức nặng tình người như: “Cháu không có nhiều tiền trong tài khoản. Cháu cũng đang không có việc làm nên hiện tại đây là số dư còn lại duy nhất trong tài khoản cháu. Dù ít nhưng cháu cũng muốn giúp”, “Cháu có gói mì tôm ủng hộ ạ”,...
Hay như 1 bạn fan Blackpink học lớp 8 đã dành toàn bộ số tiền mình có là 28 nghìn đồng, gửi đến MTTQVN. Cô bé còn có những lời nhắn đầy xúc động: “Chị ơi, em năm nay mới học có lớp 8 nên không có nhiều tiền. Em cũng không có số tài khoản ngân hàng nên mới đưa tiền mặt cho chị hai nhờ chị chuyển dùm. Em muốn giúp mọi người lắm nhưng tại em còn nhỏ quá nên không có nhiều tiền. Chị cầm đỡ giúp em nhé”.
Một tài khoản gửi ủng hộ số tiền 10 nghìn đồng và dòng nội dung chuyển khoản: "Cháu là học sinh không có tiền nhưng vì yêu nước, yêu dân tộc nên vẫn ủng hộ cho mọi người dân miền Bắc vượt qua thiên tai. Mong mọi người bình an".
Nó sáng rỡ hoàn toàn đối lập với dạng “tiền ít, lòng vòng" như gửi 500k nhưng photoshop lên mạng 500 triệu, viết bài chia sẻ xót thương đồng bào dài 10 trang (thậm chí, nhờ viết hộ vì không có cảm xúc thật). Cái của ít trên kia cũng khác hẳn cái của ít 1 triệu của thanh niên nào đó nổi tiếng nói đạo lý trên mạng khoe đóng góp 20 triệu, chê người này người kia từ thiện không xứng tầm… rồi bị lật tẩy trong một đêm.
Và tiền nhiều thì cũng đâu có nghĩa là để “phông bạt”. Điển hình như nội dung "Tập thể lái đò KDL Tràng An ủng hộ đồng bào" với số tiền 300 triệu.
GS.TS Lê Ngọc Thạch - người dành toàn bộ số tiền tiết kiệm 1 tỷ đồng để ủng hộ bào bị ảnh hưởng bão lũ đã khiêm tốn chia sẻ: "Có thể 1 tỷ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu".
Gần đây nhất là trường hợp của cô Trần Thị Bích Hà chuyển khoản ủng hộ số tiền 200 triệu đồng với nội dung “lạnh lùng” nhưng ấm áp tình người “TRAN THI BICH HA chuyen tien”.
Cô chia sẻ rằng không ngờ sao kê chuyển tiền ủng hộ của mình lại viral, bởi từ trước đến nay, đó luôn là tư duy từ thiện của cô, như một lẽ đương nhiên. Cô Bích Hà quyên góp đúng với những gì mình có, mình muốn trao đi, chẳng toan tính ít hay nhiều.
Trong đợt bão Yagi lần này, cô đã chi 600 triệu. Trong đó, ngoài 200 triệu chuyển cho MTTQVN, cô đã chuyển thẳng cho MTTQ các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Kạn, mỗi tỉnh 100 triệu đồng.
Bao nhiêu tiền thì gọi là nhiều? Lòng tốt như thế nào thì mới xứng đáng được tung hô?
Theo một thống kê thú vị, trong 4 ngày từ 7/9 - 10/9, Mặt trận Tổ quốc đã nhận được hơn 51 triệu từ nội dung chuyển khoản có từ khoá “Học sinh". Còn “Học sinh" (dạng đi theo key “tập thể") thì nhận được hơn 40 triệu , “Sinh viên" là gần 84 triệu với 611 lượt chuyển khoản.
Tôi cảm thấy thật tự hào. Học sinh, sinh viên - vốn là những người trẻ, có thể còn chưa ổn định tài chính, cuộc sống… song không vì thế mà bỏ làm việc thiện.
Tích tiểu thành đại, góp ít thành nhiều, những lượt chuyển tiền trên thật sự khiến người ta phải suy ngẫm về việc làm từ thiện. Từ thiện lâu dài và từ thiện có hiệu quả không thể chỉ trông chờ ở mỗi cá nhân, mỗi ngôi sao nào mà nó là sự đóng góp của cả cộng đồng.
Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, tổng kết lại là một con số có thể rất rất lớn, giúp đỡ được rất rất nhiều người. Việc “phông bạt" số tiền từ thiện để nâng cao uy tín bản thân là vô nghĩa, vì, số tiền khủng khiếp mà bạn tự tạo ra chỉ vừa đủ để giúp thoả mãn sở thích khoe mẽ của bạn, không đủ để giúp nhiều người.
Người giàu thường hay làm từ thiện, nhưng không phải ai làm từ thiện thì cũng giàu. Thế nên, một khi ai đó đã góp sức, góp của, thì mình bớt góp lời, để từ thiện quay về đúng với ý nghĩa ban đầu của nó.
Sau tất cả, ai cũng có 1 cơ hội để chọn sẽ sống theo cách nào
"Lương tâm mà rách nát thì cuộc đời cũng chỉ chắp vá mà thôi”, Victor Hugo.
Thật vậy, trước khi muốn làm 1 việc gì, bạn phải chân thật với chính mình trước. Ngay cả với bản thân mà bạn cũng gian dối, thì liệu bạn chân thành với ai?
Có lẽ đến tận bây giờ, nhiều người vẫn đang “ngồi trên đống lửa” sợ sự dối trá của mình lòi ra, có người bẽ bàng vì mình đã bị lột mặt nạ xuống... theo cách bất ngờ như vừa rồi. Sau tất cả, mọi thứ xảy đến là để dạy chúng ta 1 bài học. Ở đây, chắc chắn là sự thành thật.
Làm sao để thay đổi được những con người này? Tôi nghĩ khó lắm, nhưng không phải không được. Chừng nào họ nhận ra họ mất thứ gì cực kỳ quan trọng vì lối sống này thì lúc đó mới may ra thay đổi được hành vi, góc nhìn, cách sống lỗi.
Tôi cũng không tin 12.000 trang sao kê có thể thay đổi được ai trong phút chốc, song, nó cho tất cả 1 cơ hội.
Cơ hội để những người trẻ có 1 trải nghiệm đáng giá để nhận ra: Đừng nghĩ chuyện bạn làm không ai biết, bạn biết!
Và khi tất cả lắng xuống, mọi người bị cuốn trôi theo những câu chuyện khác, nỗi lo khác, thị phi mới… điều bẽ bàng chỉ còn bạn nhớ, chuyện hôm nay chỉ còn mình bạn cảm thấy hổ thẹn, thì lúc đó sẽ thấm thía 1 điều: Dối trá với chính bản thân mình là điều tệ hại nhất, vì, không có gì đau khổ bằng việc mất đi sự tự tôn của bản thân, không còn tin vào lòng thiện của mình, thấy không xứng đáng với điều tốt đẹp xung quanh, thấy mình tồi tệ… hay nói cách khác, cả đời, không thể ngẩng cao đầu.
Tôi xin được phép mượn câu nói của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời để khép bài viết này, cũng như 1 cách để tự nhắc nhở mình: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!
Trần Hà. Ảnh: Lữ Phụng Tiên