Hà Nội đón tôi vào một ngày cuối thu, nắng vàng và ngọt. Mùa thu lãng đãng yêu thương, trời đã biết se lạnh và nắng đã biết tan cuối mỗi chiều. Tôi ngồi sau xe một người anh, đi chầm chậm qua từng con phố, cảm thấy như đang đi lạc vào dòng miên viễn của trầm tích thời gian. Tôi đi giữa lòng Hà Nội, tưởng như hồn dân tộc muôn ngàn năm cũ đang nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng. Đất trời làm ta muốn yêu, Hà Nội làm ta muốn yêu đến nồng nàn như vậy đấy.
Tôi về Hà Nội lần này để dự lễ Tổng kết cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII và Kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Tạp chí Thanh niên. Cuộc thi ý nghĩa này do Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức.
Bước vào Hội trường, hòa mình vào trập trùng màu áo xanh của thanh niên xung kích, tôi như lạc vào một vùng ký ức lịch sử đan cài lớp lớp thời gian. Màu xanh áo Đoàn, màu áo trung kiên, màu của hòa bình, tình yêu, và tuổi trẻ. Tôi nhìn thấy màu xanh vời vợi của tình yêu đất nước, màu xanh hi vọng, màu xanh của sự sống đồng loạt bừng dậy miên man.
Giống như cái tên: “Vượt lên số phận”, mỗi bông hoa về đây đều là những bông hoa vươn mình từ trong nghịch cảnh. Cuộc thi do Tạp chí Thanh niên tổ chức đã tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ các mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn quyết tâm vượt lên gian khó, tạo nên một nguồn năng lượng tích cực, chạm đến khát vọng sống của hàng triệu người kém may mắn trong cuộc đời này. Khát vọng là điểm khởi đầu để thức dậy những những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Khát vọng thôi thúc con người ta sống, nỗ lực để đạt đến điều gì đó mới mẻ và tích cực, xua tan bóng đen của buồn bã, thất vọng, buông xuôi. Trong trái tim mỗi người đều có khát vọng, điều quan trọng là có thức dậy được nó hay không. Ai cần mẫn trên trang sách mùa thi nơi chân trời tri thức. Ai đêm ngày vác súng canh giữ biển trời xa. Ai cày ruộng cho mùa xanh tươi tốt. Ai vác xi măng sắt thép công trường. Ai bền bỉ ngày đêm trong những phòng thí nghiệm, miệt mài say bên những phép lập trình. Ai thiết kế sắc màu cho cuộc sống, những nếp nhà xây, những chân cầu, đường phố. Cả chiếc tách uống trà cũng mang vẻ đẹp riêng. Mỗi người sinh ra trong cuộc đời này, dẫu có những số mệnh khác nhau, có người đủ đầy, có người thiếu thốn, nhưng ai cũng có sứ mệnh và giá trị riêng. Tất cả làm nên bản hòa tấu vô cùng tươi đẹp của sự sống. Khi khát vọng sống được thức dậy mãnh liệt, cũng là khi tất cả kỳ tích sẽ thăng hoa rực rỡ.
Hòa mình trong lễ Tổng kết cuộc thi, tôi lắng mình trong những thước phim ghi lại hành trình của Tạp chí Thanh niên trong 62 năm qua. Từ khi ra đời vào ngày 15 tháng 10 năm 1962 đến nay, với vai trò là Cơ quan lý luận, nghiệp vụ của tổ chức Đoàn, Tạp chí đã trưởng thành trên mảnh đất hồn thiêng sông núi của đất nước anh hùng, dân tộc anh hùng. Từ năm 1962 và nhiều thế hệ tiếp theo, cán bộ, phóng viên Tạp chí Thanh niên bằng các bài viết, trang báo đã góp phần cổ vũ lớp lớp tuổi trẻ cùng quân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trải qua 62 năm xây dựng và trưởng thành, Tạp chí Thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là hiệu lệnh trái tim thúc giục tuổi trẻ xông pha, tiến lên phía trước, gian khổ nào cũng vượt qua, khó khăn nào cũng chiến thắng. Xuyên suốt dòng chảy từ truyền thống đến hiện đại, từ quá khứ đến tương lai, Tạp chí Thanh niên vẫn miệt mài tiếp tục sứ mệnh của mình trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thanh niên, tuyên truyền cổ vũ các phong trào, hoạt động ý nghĩa của Đoàn, Hội, Đội qua mỗi thời kỳ cách mạng của đất nước. Phản ánh bước trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam trong hội nhập và phát triển. Là cơ quan báo chí quan trọng trên mặt trận Văn hóa- tư tưởng của các thế hệ thanh niên Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung, Tạp chí Thanh niên đã góp phần cổ vũ, động viên, khơi dậy sứ mệnh của thanh niên: “Dấn thân, nhiệt huyết, sáng tạo, xung kích” vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần : “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Thế hệ trẻ hôm nay đang phấn đấu sống trọn vẹn hoài bão lớn để không uổng phí những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ, nối tiếp truyền thống cha ông đi trước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình Lễ tổng kết trao giải Cuộc thi viết Vượt lên số phận lần thứ VII và Kỷ niệm 62 năm thành lập Tạp chí Thanh niên
Hòa mình trong muôn hồng, ngàn tía của vườn hoa “Vượt lên số phận” trong buổi Lễ trao giải, tôi được gặp các tác giả đoạt giải từ mọi miền đất nước về đây hội ngộ. Đó là những “Cây xanh” vươn lên từ “Đất cằn sỏi đá” bằng niềm tin và khát vọng. Những mảnh đời bất hạnh, những số phận kém may mắn, tưởng như không thể tìm được ánh sáng, thì bằng một khát khao và nỗ lực phi thường, chúng tôi đã vươn lên tỏa sáng rực rỡ. Mỗi người một số phận, mỗi người một nỗi đau, nhưng đã tìm thấy ánh sáng hi vọng để rồi cùng tham gia vào cuộc thi viết “Vượt lên số phận”. Cuộc thi đã mở ra một cánh cửa mới, một niềm vui sống để chúng tôi “Tin vào ngày mai tươi sáng”. Lòng dũng cảm, dũng khí của chúng tôi, không phải chỉ là ý chí quyết tâm vươn lên, mà điều đặc biệt là ở chỗ gặp nhiều thiệt thòi và trở ngại hơn người nhưng vẫn vươn lên, vươn lên bằng tất cả trái tim của mình. Trở thành một phiên bản tốt hơn, có ích cho mình, có ích cho gia đình và xã hội. Lòng gang dạ sắt chính là luôn vượt qua những bất hạnh mặc định của số phận để trở thành ngọn lửa soi đường trong đêm tối. Và cuộc thi “Vượt lên số phận” đã giúp chúng tôi lan tỏa điều đó, đồng hành cùng chúng tôi để thắp sáng lẽ sống tích cực, lẽ sống đẹp. Điều tuyệt vời và mạnh mẽ nhất là hãy sống kiêu hãnh như những đóa hoa. Bung sắc, tỏa hương cho đời.
Lễ tổng kết khép lại, tôi vẫn không thể nào quên được những khoảnh khắc lặng đi khi lắng nghe bài phát biểu của đồng chí Đỗ Quang Huỳnh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên và phút lạc giọng vì nghẹn ngào xúc động của đồng chí khi kể lại hành trình vươn lên của những số phận bất hạnh đã đến với cuộc thi. Giây phút ấy, trong lòng tôi dâng lên một cảm giác biết ơn và cảm động. Biết ơn vì đâu đó giữa cuộc đời này, tình yêu thương và lòng nhân ái vẫn đang thực sự hiện hữu. Sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc trở thành sợi chỉ đỏ kết nối mọi phận người. Nó kết thành một làn sóng mạnh mẽ khơi dậy khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng yêu thương, xua tan những buồn đau, bi thảm, bất hạnh, thiệt thòi. Để rồi : “Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp”. Tôi chợt nhớ đến câu hát: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió. Lời hứa ghi trong tim mình. Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao…" trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của nhạc sĩ Trần Lập.
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền biểu diễn tiết mục Hành khúc Tạp chí Thanh niên
Đi giữa trời thu Hà Nội, dạo bước bên Hồ Gươm miên man sắc vàng trên từng cánh nắng, tôi nghe tim mình dịu ngọt giữa mênh mang. Nếu một lần nào nữa lại có dịp thả chân đi giữa trời thu Hà Nội, tôi nhất định sẽ ngồi ở một quán cóc nào đó bên vỉa hè, có gốc cây hoa sữa ngào ngạt toả hương để hít hà cho thoả thuê sắc thu ngọt chốn Hà Thành. Tôi sẽ đi thật chậm trên những con đường ngập lá vàng rơi, để lắng nghe tiếng xào xạc rất riêng của đường lá, để nắn nót những bước chân thật chậm kẻo làm đau những chia cắt của cành. Để cảm nhận tất thảy những xao động của gió mùa Đông Bắc. Và thêm yêu đất kinh đô ngàn năm văn hiến. Mảnh đất của yêu thương.
Xa Hà Nội, hành lý tôi mang về là một trái tim được chữa lành và một khát vọng sống có ích. Sống để “Sống như những đóa hoa”, luôn “Vượt lên số phận”, để tỏa hương cho đời. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết : “Nếu là con chim, chiếc lá / Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh / Lẽ nào vay mà không trả / Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Trần Thị Hiền
Xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị