03-03-2023

Thạc sĩ Ngô Đức Huy: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới.”

Có nhiều lý do để chúng ta gắn bó với một ngành nghề nào đó. Với Thạc sĩ Ngô Đức Huy cũng vậy, anh đến với ngành giáo dục như một cơ duyên từ mong muốn được cho đi trong sâu thẳm tấm lòng, như một câu thơ của tác giả Tố Hữu đã từng viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…

Khát vọng cống hiến

“Xin chào Thạc sĩ Ngô Đức Huy, thật vinh dự khi ĐCDN có dịp được trò chuyện với anh. Anh có thể chia sẻ một chút về bản thân mình và cơ duyên nào đã khiến anh lựa chọn con đường giáo dục không?”

Thạc sĩ Ngô Đức Huy: Xin chào ĐCDN. Tôi tên thật là Ngô Đức Huy, là một người con của huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tôi tốt nghiệp bằng Cử nhân ngành Giáo Dục Mầm Non tại trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và bằng Thạc sĩ trường Đại học Sài Gòn chuyên ngành Quản lý Giáo dục. Đúng như mọi người thường nói, phải có duyên mới có thể gắn bó với con đường giáo dục.

Tôi lựa chọn môi trường mầm non lúc bấy giờ một phần là do trong ngành đang thiếu giảng viên nam. Bên cạnh đó nhờ sự động viên của quý thầy cô giảng viên, tôi bắt đầu theo đuổi con đường giảng dạy từ năm 2014. Một phần nữa, ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã vô cùng kính trọng nghề nhà giáo. Một nghề phải nói là trân quý và thiêng liêng khi đem lại “con chữ” cho mọi người.

“Nhìn lại hành trình gần 1 thập kỷ qua, đâu là những thuận lợi và khó khăn mà anh đã trải qua?”

Thạc sĩ Ngô Đức Huy: Đầu tiên phải kể về những thuận lợi mà tôi rất may mắn nhận được. May mắn hơn những cơ sở giáo dục khác, tôi nhận được sự ủng hộ từ gia đình, đội ngũ giảng viên hai trường đại học. Bên cạnh đó không thể thiếu các quý ban ngành và đoàn thể trực thuộc UBND phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức và UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã ưu tiên, cấp phép cho các cơ sở giáo dục mầm non của tôi được hoạt động trên địa bàn. Nhờ đó mà tôi vinh dự trở thành Hiệu trưởng và Giảng viên trẻ được bổ nhiệm tiếp cận nghề sớm nhất so với các đồng nghiệp cùng trang lứa.

Dẫu vậy, cũng có rất nhiều khó khăn đối với tôi và cơ sở giáo dục mầm non của mình, mà mỗi khi nhớ lại, đó đều là động lực thúc đẩy tôi phải nỗ lực hơn để gánh vác trách nhiệm của một Hiệu trưởng. Là một doanh nghiệp mới thì công tác nhân sự, tài chính, điều hành và phát triển luôn thách thức với một người trẻ như tôi. Hơn nữa hai đợt dịch Covid đã làm trì trệ quá trình hoạt động và khiến tôi phải tạm ngừng kinh doanh dài hạn. Đây là những kỷ niệm khó quên và vất vả nhất mà doanh nghiệp chúng tôi đã trải qua. Có lẽ, đây cũng là những khó khăn đối với bất kỳ doanh nghiệp trẻ nào khác.

“Vừa là một Hiệu trưởng, vừa là trực tiếp giảng dạy và phải gánh vác trách nhiệm của một doanh nhân, vậy anh đã làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?”

Thạc sĩ Ngô Đức Huy: Đối với doanh nhân, việc cân bằng giữa công việc và gia đình luôn là một thử thách. Tôi cũng may mắn đã trải qua thử thách này và rất thích câu hỏi thú vị này. Những ngày đầu chập chững vào nghề, do chưa quen công việc và làm việc với tuần suất cao, thời gian về thăm gia đình của tôi chỉ tính bằng tháng. Những cuộc vui chơi, những buổi hẹn hò cùng người yêu, thời gian dành riêng cho bản thân tôi đều phải hy sinh và đánh đổi vì công việc. Với tôi những buổi tối rảnh rỗi hay những ngày nghỉ cuối tuần đều được tôi tận dụng dành cho giảng đường đại học. Các ngày làm việc còn lại tôi dành cho học tập nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý công việc hiện tại của mình.

Đền đáp tất cả sự nỗ lực của mình, doanh nghiệp của tôi đã có những bước tiến xa. Tôi chia sẻ niềm vui này bằng cách tạo công ăn việc làm cho những người xung quanh. Hiện tại, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên doanh nghiệp chúng tôi đã có sự ổn định, họ dần thay tôi làm những công việc tôi đã làm trước đây. Vì vậy, tôi có quỹ thời gian nhiều hơn để cân bằng giữa công việc và gia đình. Những năm gần đây, tôi cũng dành một chút trong quỹ thời gian rảnh rỗi của mình để cùng đồng nghiệp đi làm các công việc thiện nguyện và các công tác xã hội.

Giáo dục bền vững

“Để một doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, có lẽ sứ mệnh họ đặt ra phải đáp ứng và bắt kịp với thời đại và xã hội. Anh có ngần ngại khi chia sẻ về sứ mệnh này?”

Thạc sĩ Ngô Đức Huy: Việc hiểu rõ sứ mệnh của mình như một chiếc la bàn giúp doanh nghiệp của bạn đi đúng hướng. Sứ mệnh của chúng tôi đặt ra là phát triển nền giáo dục Việt Nam, cống hiến cho nước nhà bằng cách đào tạo cho nhiều thế hệ tiếp nối phục vụ cho Tổ quốc. Giáo dục là vũ khí tối tân nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. “Tôi sẽ trả lại cho bọn trẻ một tuổi thơ đúng nghĩa mà chúng đáng được có” là câu nói mà tôi luôn nhắc nhở đội ngũ của mình khi làm việc.

“Giáo dục luôn là lĩnh vực được cả nước quan tâm. Rất nhiều các bạn trẻ đã có ý định start-up trong lĩnh vực này. Là một người đi trước có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, anh có thể đưa ra lời khuyên cho họ không?”

Thạc sĩ Ngô Đức Huy: Về kinh nghiệm kinh doanh hay lời khuyên cho hậu thế thì tôi xin được tóm tắt trong 3 chữ “Tâm - Tầm - Tài”. Đầu tiên, để có thể tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, bạn phải là một người có tầm. Năng lực học tập ở đây không phải chỉ xét theo phương diện bằng cấp, mà tôi còn muốn nói đến đó là sự tích luỹ kinh nghiệm từng ngày dù bạn ở bất kỳ độ tuổi nào.

Kế đến bạn phải có tâm, đó chính là tình yêu giáo dục, tình yêu người và tình yêu bản thân mình. Đặc thù ngành giáo dục đó chính là nếu như bạn không yêu nó thì bạn sẽ khó mà phục vụ con người được. Đặc biệt, cái tâm của người làm giáo dục luôn phải thanh cao và trong sạch.

Cuối cùng là bạn phải có tài. Tầm nhìn xa trông rộng là điều rất quan trọng trong giáo dục. Như mọi người biết, ngành giáo dục cũng luôn thay đổi theo từng năm. Bạn phải thích ứng được với điều đó và không bao giờ bỏ cuộc với các tình huống khó xảy ra trong quá trình công tác. Hãy kiên trì vượt qua và buộc giải quyết khó khăn, những việc khó người khác không làm được nhưng bạn làm được điều đó mới chứng minh bạn thật sự có tài. Nói nôm na theo kiểu bình dân cho dễ hiểu mà tôi thường nói vui với nhân viên mình rằng “Chỗ nào khó, chỗ đó có tiền”…

“Người ta luôn đặt mục tiêu giáo dục 5 năm, 10 năm, 20 năm,... Vậy anh đã đặt mục tiêu gì cho chính mình và cơ sở giáo dục của anh trong những năm tới?”

Thạc sĩ Ngô Đức Huy: Về mục tiêu của bản thân tôi sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu học tập và cống hiến cho nhà nước bởi vì “Học, học mãi, học cả đời”. Xin phép được chia sẻ một chút về luận án tốt nghiệp Tiến sĩ của mình, tôi đã chọn chủ đề “Bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, tín ngưỡng tâm linh người Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu Tiến sĩ của mình.

Về mục tiêu của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều cơ sở giáo dục trực thuộc Công ty TNHH Giáo Dục Bé Ngoan để tiếp tục phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các tổ chức Chính phủ; phi Chính phủ và các đoàn thể trong nhiều công tác xã hội.

Vâng, xin được cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc Thạc sĩ Ngô Đức Huy cùng cơ sở giáo dục của mình ngày càng thành công và đạt được nhiều dấu ấn trong ngành giáo dục!

Trang Nhung